Charles Pierre Baudelaire (9 tháng 4 năm 1821 – 31 tháng 8 năm 1867) – nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, dịch giả Pháp, một đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa suy đồi và chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Tác gia cổ điển của văn học Pháp và thế giới.
Tiểu sử:
Charles Baudelaire sinh ở Paris,
nơi mà trong suốt cuộc đời ông thay đổi nơi ở 40 lần. Cuộc hôn nhân của bố và
mẹ ông được người đời coi là kết quả của một tình yêu cao thượng, vì rằng bố
ông lớn hơn mẹ 35 tuổi. Bố ông, François Baudelaire, vốn là một họa sĩ, đã khơi
dậy ở đứa con một tình yêu nghệ thuật từ tấm bé – đưa đi thăm những bảo tàng,
làm quen với nhiều văn nghệ sĩ, dẫn con đến xưởng vẽ… Năm lên 6 tuổi,
Baudelaire mồ côi bố. Nửa năm sau đó, mẹ ông kết hôn với một sĩ quan, ông
Jacques Aupick. Baudelaire yêu mẹ nhưng rất ghét bố dượng, quan hệ giữa họ luôn
căng thẳng. Việc tái giá của mẹ đã để lại một dấu ấn nặng nề trong tính cách
của cậu con trai.
Năm lên 11 tuổi, gia đình chuyển
đến Lyon, cậu bé được đi học ở đây. Thời gian này Baudelaire đã cảm thấy yêu
thích và say mê văn học. Năm 1836 cả gia đình trở lại Paris, Baudelaire vào học
trường cao đẳng Louis-le-Grand. Kể từ thời điểm này, Baudelaire bắt đầu say mê
cuộc sống sôi nổi ở các tụ điểm giải trí, dùng chất ma túy, chơi bời với những
gái điếm và mắc bệnh giang mai, trở thành nguyên của cái chết của ông sau này.
Trước khi tốt nghiệp một năm Baudelaire
bị trường Louis-le-Grand đuổi học. Năm 1841, sau nhiều cố gắng ông cũng
được nhận bằng cử nhân luật. Bố dượng khuyên nên theo nghề luật hoặc nghề ngoại
giao nhưng Baudelaire quyết tâm theo đuổi nghiệp văn chương. Mẹ ông hiểu rằng
đấy là “con đường chết”, là tật xấu ảnh hưởng từ cuộc sống của “khu phố Latinh”
nên khuyên ông đi du lịch đến Calcutta, Ấn Độ. Mười tháng trời lênh đênh trên
biển, con tàu chỉ mới đến đảo Réunion nằm giữa Ấn Độ dương thì Baudelaire đã
thuyết phục người thuyền trưởng sắp xếp cho mình được quay trở lại nước Pháp.
Mặc dù không đến Ấn Độ nhưng chuyến đi này đã mang lại cho ông nhiều ấn tượng
sâu sắc về vẻ đẹp của miền nhiệt đới, được ông thể hiện trong nhiều tác phẩm
của mình.
Năm 1842 Baudelaire được hưởng
quyền thừa kế từ bố ruột của mình với số tiền 75.000 franc nhưng ông đã tiêu
xài rất hoang phí. Năm 1848 gia đình gửi đơn lên tòa án đề nghị rút lại quyền
thừa kế. Tòa quyết định chuyển quyền sang cho người mẹ còn Baudelaire chỉ được
chi trả cho những khoản chi tiêu nho nhỏ.
Năm 1846 Baudelaire làm quen với
các tác phẩm của nhà văn Mỹ Edgar Poe và say mê đến độ đã nghiên cứu và dịch
Edgar Poe trong suốt 17 năm. Những bài thơ đầu tiên in ở các tạp chí trong các
năm 1843 – 1844. Giai đoạn từ năm 1852 đến năm 1864 là thời kỳ sáng tạo dồi dào
nhất của ông. Năm 1857 ông xuất bản tập thơ Những bông hoa ác (Les
Fleurs du Mal) làm xôn xao dư luận, tập thơ bị kết án xúc phạm đạo đức công
cộng và thuần phong mỹ tục, bị cắt bỏ 6 bài thơ “thô tục” nhất. Năm 1860 xuất
bản tiểu luận Những thiên đường giả tạo (Les Paradis artificiels). Năm
1861 tái bản Những bông hoa ác với một số bài thơ bổ sung. Cũng trong
thời kỳ này ông bắt đầu viết những bài thơ văn xuôi lấy tựa đề Nỗi buồn
Paris – Những bài thơ văn xuôi nhỏ (Le Spleen de Paris – Petits Poèmes en
prose), xuất bản năm 1869.
Năm 1865 Baudelaire đi sang Bỉ và
sống ở đấy gần hai năm. Năm 1866, đang ở Bỉ, Baudelaire bị bệnh giang mai hành
hạ, gây nên những chứng đau đầu và đau dây thần kinh, mắt lờ đờ, miệng không mở
được. Ông được đưa về Paris, nằm ở nhà thương điên, nơi ông qua đời ngày 31 tháng
8 năm 1867.
Tác phẩm chính:
- Những bông hoa ác (Les Fleurs du Mal, 1857)
- Những thiên đường giả tạo (Les Paradis artificiels, 1860)
- Nỗi buồn Paris – Những bài
thơ văn xuôi nhỏ (Le Spleen de Paris –
Petits Poèmes en prose, 1869)
NHỮNG BÀI THƠ VĂN XUÔI NHỎ
Gửi Arsène Houssaye
(Phần mở đầu)
Bạn thân của tôi, tôi gửi cho anh một tác
phẩm nhỏ, mà có thể sẽ không công bằng khi nói rằng nó chẳng có đầu, chẳng có
đuôi, bởi vì phần nào cũng có thể dùng xen kẽ hoặc kế tiếp vào các phần khác.
Tự anh xem xét để có lợi cho tất cả – cho anh, cho tôi và cho bạn đọc. Chúng ta
có thể cắt bớt nơi nào ta muốn: tôi – những ước mơ của mình, anh – xem xét bản
thảo, và bạn đọc – sẽ đọc nó; vì rằng tôi không ràng buộc ý muốn của mình cho
bạn đọc bằng sợi chỉ không có hồi kết của âm mưu kéo dài. Anh cứ việc cắt đoạn
nào bất kỳ – hai mảnh của sự tưởng tượng vòng vo sẽ dễ dàng kết hợp được với
nhau. Đem chẻ nó ra làm nhiều phần – và anh sẽ thấy rằng chúng có thể tồn tại
một cách riêng rẽ. Với hy vọng rằng một số trong các phần đủ mức sống động để
làm anh hài lòng và làm anh vui, tôi mạo muội gửi cho anh toàn bộ con rắn.
Tôi cũng muốn thừa nhận với anh một điều.
Khi tôi lật từng trang, không dưới hai mươi lần, cuốn thơ văn xuôi nổi tiếng
“Gaspard của đêm” của Aloysius Bertrand (cuốn này anh đã biết, tôi và một số
người bạn của ta cũng đã biết, liệu nó có quyền được gọi là cuốn sách nổi
tiếng?), tôi nảy ra ý định viết một cái gì đó tương tự, áp dụng sự mô tả cuộc
sống hiện đại, chính xác hơn, là cuộc sống hiện đại trong một hình thái trìu
tượng hơn, thủ pháp này đã từng được ông áp dụng để mô tả cuộc sống xưa mà đẹp
một cách lạ thường.
Ai trong số chúng ta mà không mơ ước, trong
thời buổi háo danh này, tạo nên một điều kỳ diệu bằng thơ văn xuôi, thấm đẫm
chất nhạc mà không cần nhịp điệu và vần điệu, đủ độ dẻo và sự gồ ghề để thích
hợp với những cơn dư chấn trữ tình của tâm hồn, với sự uốn lượn của mơ ước hão
huyền, với sự chấn động của ý thức?
Từ những cuộc dạo chơi ở những thành phố
lớn, từ sự quan sát vô số quan hệ của con người mà nảy sinh ra lý tưởng ám ảnh
này. Và anh, người bạn thân của tôi, có khi nào anh cố gắng đem vào bài hát
tiếng rít của người thợ lắp kính và thể hiện trong văn xuôi trữ tình tất cả tâm
trạng đau buồn vang lên tận mái nhà, xuyên qua màn sương trải dài trên đường
phố?
Nhưng, quả thật, tôi sợ rằng sự đam mê của
tôi không đem lại thành công. Ngay vừa khi bắt tay vào làm, tôi đã nhận thấy
rằng, tôi không chỉ còn cách xa hình tượng bí ẩn và huy hoàng, mà còn tạo ra
một cái gì đấy (nếu có thể gọi như vậy) một cách lạ lùng khác với sự sáng tạo
ra nó, – trường hợp với ai cũng được, ngoại trừ tôi, không nghi ngờ, khiến
người ta tự mãn, nhưng trong lòng ai nghĩ rằng hạnh phúc lớn nhất của nhà thơ
là thực hiện chính xác ý tưởng của mình, chỉ nảy sinh ra một sự khiêm nhường
sâu sắc.
Rất thân thiết!
C. B.
I. Ngoại
nhân
(L’Étranger)
- Ngươi yêu ai nhất trên đời, hở ngoại
nhân, - bố, mẹ, chị gái, em trai?
- Tôi không có cha, không có mẹ, chẳng có
chị gái, em trai.
- Thế bạn bè?
- Bạn sử dụng một từ mà ý nghĩa của nó cho
đến lúc này tôi vẫn còn chưa hiểu được.
- Thế Tổ quốc?
- Tôi không biết nó nằm ở tọa độ nào.
- Thế cái đẹp?
- Tôi sẵn lòng yêu nó – thánh thần và bất
tử.
- Là vàng chăng?
- Tôi ghét nó, giống như bạn căm thù Thượng
Đế.
- Thế thì ngươi yêu cái gì, hở ngoại nhân?
- Tôi yêu những đám mây… những đám mây trôi
bồng bềnh… ở đằng kia… những đám mây tuyệt diệu!
II. Sự tuyệt vọng của bà
già
(Le Désespoir de la vieille)
Một bà già nhỏ bé, nhăn nheo
cảm thấy rất vui mừng khi nhìn thấy đứa bé xinh mà ai cũng hân hoan, ai cũng
muốn chiều chuộng; đấy là một sinh linh nhỏ nhắn, yếu đuối như bà già, và cũng
như bà già, không có răng và không có tóc.
Bà già lại gần đứa bé, mong
muốn nở một nụ cười dễ thương với nó.
Nhưng đứa bé kinh hoàng giẫy
giụa dưới bàn tay ve vuốt của bà già và nó khóc vang khắp cả căn nhà.
Thế là bà già lùi ra, trở
lại với sự cô đơn muôn thuở của bà, bà khóc nức nở trong xó nhà, và nói: “Chao
ôi, với ta, những mụ già khốn khổ, đã hết cái thời có thể quyến rũ ngay cả
những sinh linh vô tội; ta đã là cho sợ hãi cả những đứa bé con mà ta yêu mến!”
III.
Kinh thú nhận của người nghệ sĩ
(Le Confiteor de l’artiste)
Những ngày thu cuối mới thấm đẫm làm sao!
Chao ôi! Thấm đẫm đến mức đớn đau, bởi vì có những cảm giác say sưa mà sự mơ hồ
của nó không thêm vào sức lực, và không có mũi nhọn nào bén sắc bằng mũi nhọn
của sự Vô cùng.
Thật sảng khoái biết bao khi dìm đôi mắt
vào khoảng rộng mênh mông của trời và của biển! Sự cô đơn, sự tĩnh lặng, không
có gì có thể đem so sánh với sự tinh khiết của thiên thanh! Nhỏ bé một cánh
buồm đang run rẩy cuối chân trời trong sự nhỏ nhoi và cách biệt dường như bắt
chước sự tồn tại vô phương cứu chữa của tôi, giai điệu của sóng lẻ loi – về tất
cả những điều mà tôi tơ tưởng, hoặc là vì chúng tơ tưởng về tôi (vì rằng trong
cái không gian rộng lớn của sự mơ màng, “cái tôi” sẽ tan biến rất nhanh); tôi
nói rằng chúng đang tơ tưởng nhưng những ý tưởng này tư duy bằng hội họa và âm
nhạc mà không phụ thuộc vào những lập luận, những tam đoạn luận hay những suy
diễn hẹp hòi.
Tuy nhiên, những suy tưởng này, liệu chúng
có xuất phát từ tôi hay xuất phát từ chiều sâu của sự vật mà chẳng mấy chốc sẽ
trở nên quá mãnh liệt. Khoái lạc dư thừa sẽ tạo ra một trạng thái bơ phờ và nỗi
đau đích thực. Những dây thần kinh căng thẳng quá mức của tôi rung lên những
tiếng kêu đớn đau và chua xót.
Và bây giờ độ sâu của bầu trời làm tôi kinh
ngạc, vẻ trong suốt của nó làm tôi bứt rứt. Mặt biển vô hồn, quang cảnh dửng
dưng khiến tôi muốn nổi loạn… Chao ôi! Chẳng lẽ phải đau khổ muôn đời hay muôn
đời chạy trốn cái đẹp? Hỡi Thiên nhiên, bà phù thủy tàn nhẫn và luôn chiến
thắng, xin hãy bỏ lại tôi! Đừng khêu gợi sự ham muốn và lòng kiêu hãnh của tôi!
Đi tìm cái đẹp là một trận đấu tay đôi, nơi người nghệ sĩ hét lên một tiếng kêu
kinh hoàng trước khi thất thủ.
IV. Anh hề
(Un plaisant)
Năm mới đang tưng bừng, sự hỗn mang của bùn
và tuyết, nghìn cỗ xe nườm nượp, lấp lánh đồ chơi và kẹo bánh, đầy ắp sự tham
lam và tuyệt vọng, cơn mê sảng chính thống của thành phố lớn có thể làm phiền
não ngay cả kẻ sống ẩn dật kiên gan nhất.
Giữa sự bề bộn, huyên náo này có một con
lừa chạy bon bon do một người chăn lỗ mãng cầm roi quất tới tấp.
Khi con lừa vừa ghé vào vỉa hè, có một
người đàn ông đỏm dáng đeo găng tay, giày bóng loáng, cổ thắt cà vạt, gò bó
trong bộ quần áo mới, hắn cúi mình trước con lừa đáng tội, ngả mũ ra và nói:
“Chúc một năm mới tốt lành!” – sau đó hắn dương dương tự đắc quay lại những
người bạn của mình, dường như tìm kiếm sự đồng tình cho vẻ tự mãn của hắn ta.
Con lừa không để ý đến anh hề dễ thương kia
mà tiếp tục chạy với lòng nhiệt thành theo tiếng gọi của bổn phận.
Còn tôi, tôi bỗng nổi cơn tam bành quá đáng
với tay lố bịch này, mà theo tôi, hắn đã thể hiện trong mình toàn bộ tinh thần
của nước Pháp.
VI. Ai cũng có điều ảo tưởng của mình
(Chacun sa chimère)
Dưới bầu trời xám, giữa đồng bằng rộng lớn
và bụi bặm, không có đường mòn, không có cỏ, thậm chí không có một cây cúc gai
hoặc một bụi tầm ma, tôi đã gặp một đoàn người đi còng lưng xuống.
Mỗi người trong số họ đều mang trên lưng
một quái vật khổng lồ, nặng nề, tựa hồ như bao bột mì hoặc bao than đá, hoặc
như trang bị của người chiến binh La Mã.
Nhưng con quái vật không phải là một gánh
nặng bất động; mà ngược lại, nó ôm choàng lấy những con người bằng cơ bắp săn chắc
của mình, nó dùng móng chân bám chắc vào ngực của người mang mình; và cái đầu
của nó lắc lư trên vầng trán của người mang, giống như chiếc mũ kinh hoàng mà
những chiến binh cổ đại đã dùng để làm cho kẻ thù sợ hãi.
Tôi đã trò chuyện với một người trong số họ
và hỏi để xem họ đi về đâu. Người này trả lời rằng điều này thì không một ai
biết cả; nhưng có một điều đã rõ, rằng họ đang di chuyển đến một mục đích nào
đó, vì rằng có một nhu cầu không thể cưỡng lại trong mọi thời gian đang thúc
giục cả đám đông đi về phía trước.
Có điều lạ thật: không một ai trong số
những kẻ lữ hành có ý định nổi loạn chống lại con quái vật hung dữ đang bám vào
cổ mình và dường như đang gắn chặt vào lưng; khiến cho ta nghĩ rằng, mỗi người
đều coi con quái vật kia là một phần không thể tách rời của chính mình. Những
gương mặt mệt mỏi và nghiêm túc không tỏ ra một sự tuyệt vọng nào; dưới bầu
trời u sầu, họ dìm những đôi chân trong bụi đất, như sa mạc, như bầu trời, họ
lê bước chân ngoan ngoãn nghe theo kẻ đã định trước cho họ là phải luôn luôn hy
vọng.
Đoàn người đi ngang qua tôi rồi biến mất
vào màn khói của đường chân trời, ở đó bề mặt quả đất tròn xoay, giấu mình
trước ánh mắt tò mò của con người.
Chỉ trong phút giây, tôi đã cố gắng để giải
mã điều bí hiểm này; nhưng ngay sau đó sự thờ ơ không thể cưỡng lại đã bao trùm
lấy tôi và tôi cảm thấy mình còn nặng nề hơn những kẻ đã còng lưng dưới gánh
nặng vì con quái vật khổng lồ đáng ghét.
VIII. Con chó và lọ nước hoa
(Le Chien et le Flacon)
“Con chó dễ thương, con chó đẹp của ta, con
cún của ta thân mến, hãy đi lại gần đây và hãy ngửi thứ nước hoa hảo hạng mà ta
vừa mua ở ngoài phố đây này”.
Con chó ve vẩy cái đuôi, (tôi nghĩ đó là cử
chỉ ở những con vật tội nghiệp này, khi bày tỏ tiếng cười to hay cười mỉm), từ
từ bước đến dí cái mũi ướt với vẻ tò mò lên chai nước hoa đã mở nút; sau đó, nó
đột ngột lùi lại với vẻ kinh hoàng, nó sủa gầm lên, trong tiếng sủa có vẻ đầy
trách móc.
“Ôi! Con chó kia tội nghiệp, giá mà ta cho
mi một gói phân thì chắc là mi đã hà hít rất vui mừng, và không chừng ngốn
sạch. Thành ra, mi chỉ là kẻ đồng hành tệ bạc trong cuộc đời buồn tẻ của ta
thôi, mi giống như một đám người mà đừng bao giờ đưa cho họ những mùi hương
tinh tế, những mùi hương đó chỉ làm cho họ khổ, họ chỉ cần những thứ rác rưởi
đã được chọn lựa kỹ mà thôi”.
IX. Người thợ lắp kính tồi
(Le Mauvais Vitrier)
Có những người có đầy đủ suy tưởng
nhưng hoàn toàn không có khả năng hành động, tuy nhiên, dưới tác động của một
xung lực bí ẩn không rõ ràng nào đấy, họ hành động, đôi khi, rất nhanh chóng mà
chính họ cũng không nghĩ rằng là mình có khả năng.
Một người lưỡng lự đứng giẫm chân
cả tiếng đồng hồ bên cánh cửa nhà mình mà không muốn bước ra vì nghĩ rằng người
làm dịch vụ có thể báo cho mình một tin xấu; một người giữ nửa tháng trời một
bức thư mà không mở hoặc nửa năm sau đó làm một việc mà đáng lẽ cần làm cách
đấy cả năm – những người như thế, đôi khi đột ngột cảm thấy rằng có một sức
mạnh nào đấy không thể cưỡng lại đã thúc giục anh ta hành động, giống như mũi
tên bay khỏi cây cung. Các nhà đạo đức và các bác sĩ, những người cần phải biết
tất cả cũng không thể giải thích được rằng, từ đâu mà những tâm hồn lười biếng
và mẫn cảm này có được một ý chí điên cuồng để hành động, và bằng cách nào họ,
những kẻ vốn không có khả năng làm những việc đơn giản và cần thiết nhất, trong
một phút chốc lại có thừa sự can đảm để làm những việc vô lý bậy bạ, và thường
là những việc nguy hiểm nhất.
Một người bạn của tôi, vốn là một
một người mơ mộng hiền lành nhất trên đời, một hôm đã đốt cả khu rừng để xem,
theo lời của anh ta, lửa cháy rất dễ dàng như người ta thường nói. Mười lần thí
nghiệm thất bại, nhưng lần thứ mười một thì thành công quá mức.
Một người khác hút một điếu xì gà
bên thùng thuốc súng – để xem, để biết, để thử thách số phận, để mạo hiểm, để
nhận biết vẻ đẹp của sự lo âu – chỉ đơn giản thế thôi, vì tính khí thất thời,
vì biếng nhác.
Đấy là một dạng năng lượng sinh ra
từ sự buồn chán và mơ mộng; và những ai mang nó trong mình, thường là những
người, như đã nói, biếng nhác và mơ mộng nhất.
Một người nhút nhát đến mức,
thường đưa mắt nhìn xuống trước ánh mắt mọi người, người này phải tập trung tất
cả ý chí yếu ớt của mình để ghé vào quán cà phê hoặc đi vào cửa soát vé của nhà
hát, nơi mà những người soát vé làm anh ta nhớ đến vẻ kiêu hùng của Minos,
Aeacus và Rhadamanthus – người như thế sẽ đột ngột ôm lấy cổ của một ông già đi
bên cạnh anh ta và hôn người này một cách vồ vập trước ánh mắt kinh ngạc của
đám đông.
Tại vì sao? Là tại vì… là tại vì
gương mặt của người này đối với anh ta là vô cùng xinh đẹp? Tuy nhiên, có thể
nói chính xác hơn rằng, anh ta tự mình cũng không biết được tại vì sao.
Tôi không chỉ một lần từng là nạn
nhân của những cơn, những trận như thế, cho phép chúng ta tin rằng có những con
quỉ dữ vẫn ngự trị trong ta, bắt buộc ta thực hiện những mong muốn vô lý của
chúng một cách vô thức.
Một buổi sáng nọ tôi thức giấc – ủ
rũ, buồn, mệt mỏi vì sự biếng nhác – và có một cái gì đó, dường như thúc giục
tôi thực hiện một hành động vĩ đại, một chiến công; tôi mở cửa sổ… và than ôi!
(Xin vui lòng để ý một điều, rằng
tâm trạng thần bí này xuất hiện ở một số người không phải do kết quả công việc
hoặc sự kết hợp hoàn cảnh mà là do cảm hứng bất ngờ, rất giống với, dù chỉ là
cơn nóng của đam mê, mà theo ý kiến của các bác sĩ – là chứng cuồng loạn, còn
theo ý kiến của những người suy nghĩ sâu sắc hơn các bác sĩ – là chứng quỉ Sa
tăng, nó xô đẩy ta mà không cho đề kháng, để làm một loạt các hành động nguy
hiểm hoặc không đứng đắn).
Người đầu tiên mà tôi nhìn thấy
trên đường phố là một người thợ lắp kính mà tiếng kêu khó chịu của người này
đến tai tôi xuyên qua bầu khí quyển của Paris nặng nề và dơ bẩn. Tuy vậy, tôi
không thể nói được rằng, tại vì sao tôi lại căm ghét kẻ tội nghiệp này một cách
đột ngột và dữ dằn đến thế.
Ê! Ê! – tôi gọi để anh ta đi lên.
Nhưng tôi không phải là không vui mừng, khi nghĩ rằng phòng của tôi ở trên tầng
sáu, mà cầu thang thì bé tí xíu, anh ta sẽ không dễ dàng khi đi lên, có thể ở
nhiều chỗ ngoặt anh ta sẽ làm sứt mẻ món hàng dễ vỡ của mình.
Cuối cùng anh ta xuất hiện; tôi tò
mò xem xét các tấm kính và nói: “Sao lại thế? Anh không có kính màu à? kính màu
hồng, màu đỏ, xanh da trời, kính mầu nhiệm như thiên đàng ở trên trời? Anh
không thấy xấu hổ sao? Anh dám đi khắp các khu phố nghèo mà thậm chí không có
những tấm kính để khi nhìn vào sẽ thấy cuộc đời tuyệt đẹp! Và tôi đẩy mạnh anh
ta ra cầu thang, anh ta vừa đi xuống vừa làu bàu trách móc.
Tôi chạy ra ban công và cầm lấy
một chậu hoa nhỏ, khi anh ta vừa xuất hiện trước cửa ra vào của tòa nhà, tôi
ném cả chậu hoa vào lưng anh ta; anh ta ngã nhào và đè làm vỡ hết tất cả mớ tài
sản nghèo khó của mình, một tiếng vang rầm, tựa hồ như một cung điện pha lê bị
sét đánh.
Và, say sưa với sự điên rồ của
mình, tôi hét lên với anh ta trong giận dữ: “Cuộc đời vẫn đẹp sao! Cuộc đời vẫn
đẹp sao!”
Những câu đùa tâm thần này không
phải là không có rủi ro, và nhiều khi phải trả giá đắt. Nhưng sự nguyền rủa
muôn đời có nghĩa gì đối với những ai chỉ trong một phút giây có được một niềm
vui vô tận.
X. Lúc một giờ đêm
(À une heure du matin)
Cuối cùng thì cũng được còn lại một mình!
Chỉ thỉnh thoảng có tiếng xe ngựa từ đường phố vọng vào, mệt mỏi và muộn màng
trong đêm vắng. Phía trước vẫn còn mấy giờ yên lặng, nếu không gọi là yên ổn.
Cuối cùng thì! Sự bạo hành của những gương mặt người đã biến mất, tôi có thể
chịu đau khổ chỉ vì chính mình.
Cuối cùng thì tôi cho phép mình nghỉ yên,
đắm chìm vào bóng tối! Việc đầu tiên, xoay khóa hai vòng lại. Tôi ngỡ rằng điều
này làm tăng sự cô đơn của tôi, củng cố cái hàng rào ngăn cách tôi với thế giới
bên ngoài.
Cuộc sống khủng khiếp! Thành phố khủng
khiếp! Hãy nhớ lại ngày hôm nay: nhìn thấy rất nhiều người viết lách, một người
trong số họ hỏi tôi rằng có thể đi đến nước Nga bằng đường bộ không (dĩ nhiên,
anh ta nghĩ rằng nước Nga là một hòn đảo); tranh luận nảy lửa với một biên tập
của tạp chí, người mà hễ ai phản đối đều trả lời: “Đấy là ý kiến của tất cả
những người đàng hoàng” – thế thì có khác gì nói rằng tất cả những tờ báo khác
được viết bởi những kẻ lưu manh; gặp gỡ chào mừng với hai chục người, trong số
này có mười lăm người tôi chưa từng quen biết; bắt tay thân mật, theo tỷ lệ,
thậm chí không quan tâm trước đến việc đeo găng tay; đi thăm, để giết thời gian
khi trời mưa lớn, một cô nàng, người nhờ tôi nghĩ giùm trang phục Vệ nữ cho
nàng; nịnh thần một giám đốc nhà hát, người đã đuổi tôi ra với những lời: “Anh
sẽ làm tốt, nếu đến gặp ông Z,; đấy là nhân vật nặng ký nhất, ngu ngốc nhất và
nổi tiếng nhất trong số các tác giả của tôi; làm việc với ông ấy, có thể anh sẽ
đạt được điều gì đấy. Hãy đến với ông ấy, rồi sau đó chúng tôi sẽ xem”; khoe
khoang bản thân mình bằng một loạt các hành động bỉ ổi mà tôi chưa từng làm bao
giờ, và hèn nhát từ chối những sai phạm khác mà tôi đã từng vui vẻ thực hiện –
những hành động kiêu căng phách lối, tội chống lại dư luận xã hội; từ chối giúp
người bạn một việc cỏn con và viết lời bình cho một tay vô lại; chao! dường như
đấy là tất cả?
Không hài lòng với tất cả và không hài lòng
với bản thân mình, tôi muốn được chuộc lại những lỗi lầm của mình và được sảng
khoái lên trong sự cô độc và câm nín của đêm. Ôi, linh hồn của những kẻ mà tôi
đã từng yêu, linh hồn của những kẻ mà tôi đã từng ca tụng, xin hãy giữ gìn tôi,
hãy ủng hộ tôi, hãy đưa tôi tránh xa sự gian dối, sự suy đồi của thế giới; và
Ngài, ôi Thiên Chúa! xin hãy ban cho con ân huệ để con viết những bài thơ hay,
để thuyết phục con điều này, rằng con không phải là kẻ cuối cùng giữa mọi
người, và rằng con chẳng hề thấp kém hơn tất cả những ai mà con khinh bỉ!
XVI. Đồng hồ
(L’horloge)
Người Trung Hoa xem thời gian qua đôi mắt
của mèo.
Một ngày nọ, một nhà truyền giáo, đi bộ
trong vùng ngoại ô của thành phố Nam Kinh, nhận ra mình đã bỏ quên chiếc đồng
hồ ở nhà, và ông đã hỏi một cậu bé để biết mấy giờ.
Lúc đầu cậu bé từ Đế chế Trung Hoa do dự,
nhưng sau đó, bình tâm ổn trí lại cậu trả lời: “Tôi sẽ nói với ông”. Một lát
sau, cậu xuất hiện trở lại với một con mèo lớn trong tay mình, và cậu nhìn, như
người ta thường nói, nhìn thẳng vào trong mắt, rồi cậu khẳng định không chút
nghi ngờ: “Bây giờ là gần giữa trưa”. Và điều đó là chính xác.
Khi tôi nghiêng mình trước nàng Feline xinh
đẹp, cái tên này hợp với nàng – đấy là vẻ đẹp của giới tính mình, là niềm kiêu
hãnh của trái tim và là mùi hương thơm ngát cho cõi lòng tôi, dù đó là đêm hoặc
ngày, dưới ánh sáng đủ đầy hoặc trong bóng đêm mờ mịt, nhìn sâu vào đôi mắt
xinh đẹp tôi luôn nhìn thấy rõ ràng một thời gian, một giờ vô lượng, trang
trọng và mênh mông như khoảng không mà không phân chia ra những giây những
phút, không đo đếm bằng đồng hồ cơ học, nó nhẹ nhàng như tiếng lòng thổn thức
và nhanh như một ánh mắt nhìn.
Và nếu như có một kẻ gian hùng nào đấy đến
để làm phiền tôi, khi ánh mắt của tôi đang nghỉ ngơi trên mặt chiếc đồng hồ kỳ
diệu này, nếu như một Thiên tài nào đấy cố chấp và bất lịch sự, nếu như một Quỷ
sứ không mời mà đến đã hỏi tôi: “Ngươi làm gì mà nhìn chằm chặp thế kia? Ngươi
đi tìm gì ở trong đôi mắt kia? Ngươi có nhìn thấy ở đó giờ, hở con người trần,
kẻ lười biếng, hoang đàng?” – thì tôi sẽ trả lời không một chút phân vân:
“Vâng, tôi nhìn thấy ở đó giờ, và giờ này – là cả cõi Vĩnh hằng!”
Có phải thế không, thưa cô nàng, bài thơ
tình này quả thực xứng với em và cũng tình tứ y như là em vậy? Trên thực tế,
tôi có nhiều niềm vui vô kể khi tôi ngồi viết những dòng này nên tôi không hề
đòi hỏi chút gì đáp trả từ em cả.
XVII. Một nửa thế giới trong mái tóc
(Un hémisphère dans une chevelure)
Hãy cho phép anh hít vào thật lâu mùi hương
của mái tóc em, dìm gương mặt của mình trong trong mái tóc, giống như kẻ lữ
hành trong cơn khát đang cúi xuống mạch nước nguồn và vẫy vẫy chúng như một
chiếc khăn đượm mùi hương, để cho kỷ niệm rơi vãi lung tung ra giữa bầu không
khí.
Giá mà em biết ra tất cả những gì anh đang
nhìn thấy! tất cả những gì anh cảm thấy! tất cả những gì anh nghe ra trong mái
tóc của em! Linh hồn của anh lang thang giữa những mùi hương, giống như linh
hồn của những người khác lang thang trong tiếng nhạc.
Mái tóc của em gợi ra những điều mơ ước mà
trong đó có những cánh buồm, những cột buồm và biển cả mênh mông, nơi có những
cơn gió mùa mang anh về những miền đất kỳ diệu, nơi không gian xanh hơn và sâu
hơn, nơi không khí thơm ngát mùi hương của trái cây, của lá và của da thịt con
người.
Trong đại dương của mái tóc em, anh mơ màng
thấy một bến cảng xa xôi tràn ngập những bài hát u hoài, những chàng trai mạnh
mẽ đến từ mọi quốc gia và những con tàu đủ kiểu, những đường nét muôn hình muôn
vẻ dưới bầu trời rộng mở, nơi mùa hè muôn thuở.
Khi vuốt ve mái tóc của em, anh lại nhớ về
vẻ mệt mỏi dài lâu khi nằm trên đi văng trong buồng ngủ của một con tàu đẹp, vẻ
dập dờn vì sóng nước giữa những chậu hoa, giữa những bình nước mát.
Trong vẻ oi nồng của mái tóc em, anh hít
thở mùi thuốc lá trộn với thuốc phiện và đường; trong màn đêm của mái tóc em
anh thấy ánh lên sự vô tận của màu thiên thanh miền nhiệt đới; còn trên những
bờ mềm mại của mái tóc em, anh đắm chìm trong mùi hương hỗn hợp của nhựa thông,
của dầu dừa và của xạ hương.
Hãy để anh cắn thật lâu mái tóc đen dài và
nặng của em. Khi anh gặm những sợi tóc của em, dẻo dai và ngang bướng, anh ngỡ
rằng mình đang ăn kỷ niệm.
XXXIII. Hãy say!
(Enivrez-vous)
Luôn luôn cần phải say. Trong điều này là
tất cả: đó là nhiệm vụ duy nhất. Để không cảm thấy gánh nặng khủng khiếp của
Thời gian đang đè nặng trên vai bạn, làm bạn cúi gập xuống đất, cần phải không
ngừng say.
Nhưng say bằng gì? Say bằng rượu vang, bằng
thơ ca hay là sự thật – bằng cái gì cũng được. Nhưng hãy say!
Và nếu đôi khi, trên bậc thềm của một cung
điện, trên bãi cỏ xanh bên bờ mương, trong sự cô đơn ảm đạm của căn phòng, khi
thức dậy bạn cảm thấy rằng cơn say đã dịu đi hoặc đã không còn nữa thì bạn hãy
đi hỏi gió, hỏi sóng, hỏi những con chim, hỏi những vì sao, hỏi chiếc đồng hồ,
hỏi tất cả những gì đang chạy, hỏi tất cả những gì đang rên rỉ, hỏi tất cả những
gì đang chuyển động, tất cả những gì đang hát, tất cả những gì đang nói – và
hãy hỏi mấy giờ rồi; và gió, sóng, những con chim, những vì sao và đồng hồ sẽ
trả lời cho bạn: “Đây là lúc say! Để không trở thành nô lệ của Thời gian, hãy
say, hãy say sưa không ngừng! Say bằng rượu vang, bằng thơ ca hay bằng sự thật
– bằng cái gì cũng được”.
XXXV. Những ô cửa sổ
(Les Fenêtres)
Người nào nhìn từ đường phố vào ô cửa sổ mở
toang sẽ thấy ít hơn nhiều so với người nhìn vào ô cửa sổ đóng kín. Không có
cảnh tượng nào sâu sắc hơn, bí ẩn hơn, thích hợp hơn, mờ ảo hơn, rực rỡ hơn so
với ô cửa sổ được thắp nến bên trong. Những gì có thể nhìn thấy dưới ánh mặt
trời luôn ít thú vị hơn so với những gì xảy ra phía sau mặt kính của ô cửa sổ.
Ở đó, trong bề sâu tối tăm hay sáng tỏ đang sống một cuộc đời, đang mơ ước một
cuộc đời và một cuộc đời đang đau khổ.
Ở đó, dưới những mái lờ mờ, tôi thường nhìn
thấy một người phụ nữ tuổi trung niên đã có những nếp nhăn, ăn mặc tuềnh toàng,
luôn cúi xuống nhìn một cái gì đó và không bao giờ ra khỏi nhà. Qua nét mặt của
nàng, qua bộ áo quần, qua sự di chuyển, qua những điều vặt vãnh, tôi dựng lên
một câu chuyện về nàng, chính xác hơn, là một truyền thuyết, mà đôi khi tôi kể
cho mình thì trên đôi mắt của tôi lại trào ra những dòng nước mắt.
Giá mà tôi đã nhìn thấy trong ô cửa kia một
ông già tội nghiệp, thì tôi đã có thể kể câu chuyện một cách dễ dàng.
Và tôi đi ngủ, tôi tự hào với ý nghĩ rằng,
mình đã sống, đã khổ đau trong người khác, hơn trong chính bản thân mình.
Và có thể, bạn sẽ hỏi tôi rằng: “Liệu anh
có tin rằng truyền thuyết của anh là sự thật?” Nhưng quan trọng gì cái thực tại
ở bên ngoài tôi, nếu như nó giúp tôi sống và cảm nhận rằng tôi tồn tại và tôi
là ai?
XXXVI. Khát khao thể hiện
(Le Désir de peindre)
Có thể là một người bất hạnh, nhưng là một
nghệ sĩ hạnh phúc với khao khát của mình!
Tôi khát khao thể hiện một nàng mà hiếm khi
xuất hiện trước mắt tôi và ra đi nhanh chóng, tựa hồ như một quang cảnh đẹp,
thấp thoáng phút chốc trước mắt kẻ du hành rồi biến vào đêm. Đã bao nhiêu thời
gian, kể từ ngày nàng biến mất!
Nàng xinh đẹp, và trên cả tuyệt vời: nàng
gây sửng sốt. Màu sắc của nàng là màu đen, đấy là tất cả những gì truyền cảm
hứng cho nàng, thể hiện chiều sâu và vẻ u ám của đêm. Đôi mắt của nàng là hai
hang động tối tăm, nơi xuất phát những điều bí ẩn mơ hồ thấp thoáng, ánh nhìn
của nàng giống như tia chớp đang lấp lánh; đấy là sự bùng phát của ánh sáng
giữa bóng đêm.
Giá mà tôi được so sánh nàng với một mặt
trời đen, giá mà tôi có thể hình dung ra một tinh cầu đen đang rót ra ánh sáng
và niềm hạnh phúc. Nhưng có lẽ nàng gợi ra ý nghĩ về mặt trăng, mà không nghi
ngờ, đã trao cho nàng quyền lực định mệnh của mình; nhưng không phải mặt trăng
tái nhợt điền viên giống như một cô dâu lạnh lùng, mà là mặt trăng nham hiểm và
say mê mẩn đang nhìn từ trong sâu thẳm của đêm giông xuyên qua những đám mây
đang chạy nhanh; không phải mặt trăng tĩnh lặng và dịu êm đang canh giấc nồng
cho những người ngoạn đạo, mà là mặt trăng bị đuổi từ trời xanh, bị đánh bại và
lại nổi khùng, cùng với nó là những phù thủy Thessalian đang nhảy múa trên bãi
cỏ vì sợ hãi đang dần chết.
Trên vầng trán thấp của nàng có một sự kiên
gan và khát khao nô dịch. Nhưng trên gương mặt không yên này, nơi hai lỗ mũi
đung đưa thở ra một mùi hương lạ lùng không thể tả, cái miệng của nàng cười to
hết cỡ, màu trắng và màu đỏ của cái miệng này cho phép nghĩ về một bông hoa đẹp
lạ kỳ nở trong đất núi lửa.
Có những người phụ nữ gợi ra niềm khát khao
chinh phục họ và thưởng thức họ; nhưng có để làm gì, tôi chỉ muốn được chết từ
từ dưới ánh mắt của nàng say đắm.
XXXVIII. Đâu là người thật?
(Laquelle est la vraie?)
Tôi từng quen biết với một cô gái có tên là
Benedicta, người cứ ngỡ như là sự thể hiện của lý tưởng, người có đôi mắt khiêu
gợi lòng khát khao hướng tới sự vĩ đại, vẻ đẹp, sự nổi tiếng và tất cả những gì
buộc người ta tin vào sự bất tử.
Nhưng cô gái kỳ diệu này là quá đẹp, để mà
sống được lâu; và nàng đã chết chỉ mấy ngày sau khi tôi làm quen với nàng, và
tôi đã chôn nàng trong một ngày, khi mà mùa xuân vẫy lư hương của mình vào
nghĩa trang. Tôi chôn nàng vào đất trong chiếc quan tài bằng gỗ thơm và không
thể mục, giống như cái rương của người Ấn Độ.
Và khi đôi mắt của tôi vẫn còn chăm chú
nhìn vào nơi mà tôi chôn kho báu của mình, thì bỗng nhiên tôi nhìn thấy một
người phụ nữ nhỏ nhắn, rất giống với người vừa qua đời; người này dẫm đôi chân
trên đất còn tươi, với một vẻ cuồng loạn và khó hiểu, vừa cười to vừa nói: “Đây
là tôi, là Benedicta chân chính! Đây là tôi, kẻ vô lại nổi tiếng! Và để trừng
phạt sự điên rồ của ngươi, sự mù quáng của ngươi, ngươi sẽ yêu tôi như là tôi
vốn có!”
Nhưng tôi đã giận dữ trả lời: “Không!
Không! Không thể!” Và để làm tăng thêm sự từ chối của mình, tôi dùng chân đạp
một cách điên cuồng vào đất, làm cho người vừa chết biến ngay vào ngôi mộ đất
còn tươi rói, và giống như một con sói bị sa vào bẫy, tôi bị trói, có thể là
mãi mãi, vào ngôi mộ của Lý tưởng!
XL. Gương
(Le Miroir)
Một người đàn ông xấu xí bước vào và soi
gương.
“Anh soi gương mà làm gì, nếu như những gì
anh nhìn thấy trong gương sẽ khiến anh không hài lòng?”
Người đàn ông xấu xí trả lời tôi: - “Thưa
ông, theo những nguyên tắc bất tử năm 1789, thì tất cả mọi người đều có quyền
bình đẳng; thế cho nên, tôi có quyền soi gương, còn chuyện hài lòng hay không
hài lòng thì xin hãy để cho lương tâm của tôi tự quyết định”.
Theo lẽ thường, thì tất nhiên là tôi đúng;
nhưng theo quan điểm của luật pháp thì người ấy cũng không sai.
XLIV. Súp và những đám mây
(La Soupe et les Nuages)
Cô người yêu bé nhỏ và gàn dở của tôi cho
tôi ăn bữa tối, qua ô cửa sổ mở toang của nhà ăn tôi nhìn thấy những kiến trúc
di chuyển bồng bềnh do Thiên Chúa tạo nên từ sương khói – những công trình
tuyệt vời và khó mà cảm nhận. Tôi tự nói với mình, khi đắm chìm trong suy
tưởng: “Những ảo cảnh lạ lùng này cũng tuyệt vời như đôi mắt người yêu dấu của
tôi, đôi mắt màu xanh da trời của con quái vật bé bỏng”.
Và bỗng nhiên có một cú đấm vào lưng tôi
rất mạnh, tôi nghe một giọng nói vừa khàn khàn, vừa quyến rũ, vẻ giận dữ chắc
là vì rượu, giọng nói người dấu yêu bé bỏng của tôi: “Rồi anh sẽ được ăn xúp
của mình trong những ngày sắp tới đây thôi, tay lừa đảo… kẻ buôn mây?”
XLV. Phòng tập bắn và nghĩa trang
(Le Tir et le Cimetière)
“Quán rượu nhìn ra nghĩa trang” – “Bảng
hiệu rất lạ lùng – người lữ hành nói – nhưng mà rất phù hợp để ta dìm đi cơn
khát. Dường như chủ nhân của quán này đánh giá cao Horatius và các nhà thơ
thuộc trường phái Epicurus. Có thể, ông ta cũng biết rõ sự tinh tế sâu sắc của
người Ai Cập cổ đại, những người mà ở những quán rượu nổi tiếng đều treo bộ
xương, hoặc những biểu tượng khác, thể hiện sự ngắn ngủi của cuộc đời”.
Và ông ta vào quán, uống một cốc bia, nhìn
những ngôi mộ qua cửa sổ, và chậm rãi hút điếu xì gà. Sau đó ông ta nảy ra ý
tưởng ghé vào nghĩa trang, nơi cây cỏ mọc lên cao và mặt trời sáng tỏ.
Trên thực tế, ánh sáng và hơi nóng đang nổi
cơn thịnh nộ làm cho ta có thể nghĩ rằng mặt trời say đang mở hết cái miệng của
mình trên tấm thảm được làm từ những bông hoa đẹp sống bằng sự phân rã. Tiếng
xào xạc mênh mông của cuộc đời làm đầy bầu không khí – những cuộc đời của vô
vàn những sinh linh bé nhỏ – bị ngắt quãng bởi những tiếng súng ở phòng tập bắn
gần đó, những tiếng vang giống như tiếng mở nút chai sâm banh, giữa tiếng rì
rầm của giàn hợp xướng đang dần lặng.
Và thế, dưới ánh mặt trời nóng làm chảy
não, trong bầu không khí có mùi hương gay gắt của Thần chết, ông nghe một giọng
nói từ ngôi mộ mà ông đang ngồi. Giọng nói như vầy: “Chết tiệt những mục tiêu
và những khẩu súng của các người, những kẻ sống không yên ổn, các người quá ít
quan tâm đến những người không còn sống và sự yên nghỉ của họ trên trời! Chết
tiệt những tham vọng, những tính toán của các người, những kẻ thiếu kiên nhẫn,
những kẻ đang học nghệ thuật giết chóc ở gần thánh đường Thần chết! Giá mà các người
biết được rằng để giành được chiến thắng quả thật dễ dàng, để đạt được mục đích
quả thật dễ dàng và tất cả đều hư không, ngoại trừ Cái chết, thì các ngươi đã
không vắt kiệt sức, những kẻ cần cù, sống động, thì các người đã không thường
xuyên làm phiền đến giấc ngủ của những người đã từ lâu tìm ra Mục đích của
mình, mục đích duy nhất, mục đích chân thật của cuộc đời đáng ghét!”
XLVIII. Đi đâu cũng được, miễn là thoát
khỏi thế giới này
(Anywhere out of the world – N’importe où
hors du monde)
Cuộc đời này là một bệnh viện, nơi mà mỗi
bệnh nhân rất mong muốn được thay đổi giường. Ai đó mong được nằm bên cạnh bếp
lò; còn ai kia lại tin rằng mình sẽ khỏi bệnh bên ô cửa sổ.
Tôi nghĩ rằng, tôi sẽ luôn cảm thấy thoải
mái ở nơi mà tôi không có mặt, và vấn đề chuyển dịch đi đâu – đấy là điều mà
tôi không ngừng thảo luận với linh hồn của tôi.
“Hãy nói ta nghe, hỡi linh hồn của ta, linh
hồn lạnh lẽo của ta, mi có nghĩ là mi sẽ sống được ở Lisboa? Ở đó ấm áp và mi
sẽ được sưởi ấm như một con thằn lằn. Thành phố này nằm bên bờ biển xanh, người
ta nói rằng nó được xây bằng đá cẩm thạch, và rằng người dân ở đó không hề ưa
thảm thực vật nên họ đã chặt hết cây. Phong cảnh này chắc là sẽ làm cho mi
thích thú, – ánh sáng và đá, và nước, nơi phản ánh những thứ này!”
Linh hồn của tôi không trả lời.
“Mi vốn ưa tĩnh lặng với phong cảnh đổi
thay, vậy thì mi có thích sống ở Hà Lan, đấy là xứ rất dễ thương? Có thể, mi sẽ
vui mừng ở vùng đất có những hình ảnh sẽ làm cho mi ngưỡng mộ trong các bảo
tàng. Mi nghĩ gì về Rotterdam, mi vốn là kẻ ưa rừng cột buồm và những con tàu
neo đậu dưới chân nhà ở?”
Linh hồn của tôi vẫn không trả lời gì cả.
“Hay là Batavia quyến rũ mi hơn? Ở đó ta sẽ
tìm thấy linh hồn của châu Âu kết hợp với vẻ đẹp của miền nhiệt đới”.
Không một lời nào cả. Linh hồn của tôi đã
chết rồi chăng?
“Hay là mi đã đạt đến trạng thái hôn mê mà
chỉ trong nỗi đau đớn của mình mới tìm ra hạnh phúc? Nếu vậy thì ta hãy chạy
trốn về xứ sở giống như là vương quốc Cái chết. Quyết định chưa, hở linh hồn
tội nghiệp của ta! Chúng ta sẽ đi về Tornio. Và xa hơn – tận điểm cuối của vùng
Baltic, và xa hơn nữa thoát khỏi cuộc đời, nếu như có thể – tới vùng cực. Ở đó
mặt trời lướt xéo qua trái đất, sự luân phiên chậm chạp của bóng tối và ánh
sáng làm ngăn cản sự đa dạng và sự đơn điệu tăng lên, kéo gần tới sự hư không.
Ở đó ta sẽ được tắm mình rất lâu trong bóng tối, và để cho ta vui vẻ, hoàng hôn
phương bắc không ngừng gửi cho ta những chùm tia màu hồng, giống như sự phản
ánh của pháo hoa từ địa ngục!”
Cuối cùng thì linh hồn tôi cũng nổ bùng và
thét lên với tôi những lời, quả thực khôn ngoan: “Không quan trọng nơi nào!
Không quan trọng đi đâu, miễn là thoát khỏi thế giới này!”
Lời bạt
(Épilogue)
Với con tim nhẹ nhàng ta leo lên ngọn núi
Nhìn thành phố, với vẻ bao quát đủ đầy
Bệnh viện, nhà thổ, địa ngục và tĩnh thổ
Và những nhà tù, tội lỗi nở như hoa
Hỡi quỉ Satan, chúa tể nỗi buồn ta
Ta không lên để mà khóc vô ích
Nhưng như kẻ phóng đãng yêu gái giang hồ
Ta vội vã
lao vào vòng tay con điếm
Với lửa tình địa ngục quyến rũ ta
Trong giờ khắc cả thành phố đắm chìm
Trong giấc ngủ, buổi bình minh lạnh lẽo
Hoặc giữa màu vàng rộm buổi hoàng hôn
Ta yêu lắm ổ gian phi trộm cướp
Và gái giang hồ, cho ta những niềm vui
Mà những kẻ phàm phu không có được.
______________
*Tác phẩm này có 52 phần
(50 phần đánh dấu từ 1 đến 50 cộng với lời mở đầu và lời bạt), chúng tôi chỉ
mới dịch được 20 phần.
20 NHÀ THƠ PHÁP