Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Thơ Guillaume Apollinaire


Guillaume Apollinaire (tên thật bằng tiếng Ba Lan: Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris de Wąż-Kostrowitcki, 26 tháng 8 năm 1880 – 9 tháng 11 năm 1918) – nhà thơ Pháp gốc Ba Lan, một trong những nhà thơ lớn của Pháp đầu thế kỉ XX.

Tiểu sử:
Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris Kostrowitzky sinh ở Roma, Ý. Mẹ là Angelica Kostrowicka, một phụ nữ quí tộc đã sa sút chạy sang Ý sau cuộc bạo loạn 1863 – 1864 ở Ba Lan, bố không rõ. Năm 1887 Wilhelm Kostrowitzky cùng mẹ và em trai chuyển về Monaco. Học ở Monaco, Cannes. Từ năm 1899 chuyển về sống ở Paris, làm thơ, viết báo và trở thành nhà thơ nổi tiếng với bút danh Guillaume Apollinaire – là cách gọi bằng tiếng Pháp của hai tên Ba Lan Wilhelm và Apollinaris. 

Tháng 9 năm 1911 Guillaume Apollinaire bị bắt vào tù vì ông bị nghi tham gia vào vụ ăn cắp bức họa Mona Lisa nổi tiếng ở bảo tàng Luvre, một năm sau được trả tự do vì không tìm ra chứng cứ. Năm 1912 ông cùng bạn bè thành lập tạp chí “Chiều Paris” và làm chủ bút từ năm 1913. Cũng trong năm này in bài thơ nổi tiếng nhất của ông: Cầu Mirabeau (Le Pont Mirabeau) và trường ca Zone, đưa Guillaume Apollinaire lên vị trí số một trong các nhà thơ đương thời. Năm 1913 in tập thơ Rượu (Alcools), năm 1914 in một số bài thơ viết theo kiểu tạo hình (Calligrammes).

Khi chiến tranh thế giới I nổ ra, Guillaume Apollinaire tình nguyện ra trận với mong muốn được giải phóng Ba Lan nhưng bị thương nặng, trong thời gian này ông viết nhiều bài thơ về chiến tranh. Tháng 3 năm 1916 Guillaume Apollinaire được nhập quốc tịch Pháp và trở lại Paris tiếp tục sáng tác. Guillaume Apollinaire mất ở Paris vào năm ông 38 tuổi.

Tác phẩm:
*Les exploits d’un jeune Don Juan, 1907
*Les onze mille verges, 1907
*L'enchanteur pourrissant, 1909
*L'Hérèsiarque et Cie, 1910
*Le Théâtre Italien, 1910
*Le bestiaire ou le cortège d’Orphée, 1911
*Alcools, 1913
*Les peintres cubistes, 1913
*La Fin de Babylone, 1914
*Case d'Armons, 1915
*Le poète assassiné, 1916
*Les mamelles de Tirésias, 1917
*L'esprit nouveau et les poètes, 1918
*Calligrammes, 1918
*Le Flâneur des Deux Rives, 1918
*La femme assise, 1920
*Le guetteur mélancolique

Các tuyển tập:
*Oeuvres роétiques. P., 1956
*Oeuvres completes, t. 1-4, P., 1965—1966
*Oeuvres en prose complètes. Vol.1-2. Paris: Gallimard, 1991 (Bibliothèque de la Pléiade)



LỜI VĨNH BIỆT
(L'adieu)

Anh đưa tay ngắt chùm hoa thạch thảo
Tự nhủ lòng thu đã chết rồi em
Hai đứa ta không gặp nữa trên trần
Nhưng mùi hương thời gian chùm thạch thảo
Nhắc anh chờ em đó, nhớ đừng quên. 





Trích từ “Đời dâng cho Tình yêu” (Vitam Impendere Amori)
Tập thơ này có 6 bài, chúng tôi dịch bài 1 và 3. 

1*** 
Tình yêu đã chết trên bàn tay em
Em còn nhớ chăng những đêm gặp gỡ?
Hãy hồi sinh nó, để quay lại nữa
Em lại bước ra gặp gỡ với tình.

Và cuối cùng rồi cũng hết mùa xuân
Đã từng dịu dàng với anh như thế
Thôi, từ giã với mùa xuân, là để
Em quay về, lại như thế, dịu dàng.


3*** 
Em không mở ra được điều bí mật
Con tàu thời gian đang tiến lại gần
Để hai ta giờ bỗng nhiên thấy tiếc
Rằng anh và em đã chẳng chung đường.

Hoa hồng nổi bồng bềnh trên mặt nước
Lướt qua mau mặt nạ của đám đông
Rồi rung trong anh như một cây chuông
Là bí mật mà em không mở được. 



CẦU MIRABEAU
(Le Pont Mirabeau)

Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine
Trôi cả tình yêu của anh và em
Không biết anh có còn nên nhớ
Niềm vui sẽ đến theo sau nỗi ưu phiền.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Mặt đối mặt và tay trong tay nhau
Vòng tay ta như cầu
Dưới cầu dòng nước chảy
ánh mắt rã rời vì li biệt dài lâu.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Tình ra đi như dòng nước trôi nhanh
Tình yêu của em và anh
Cuộc đời ơi, sao mà chậm rãi
Hy vọng sao mà dữ dội cuồng điên.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Vẫn trôi đều ngày tuần, tháng năm
Quá khứ và tình yêu quay trở lại không còn
Chỉ một điều không bao giờ thay đổi
Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.




BÀI THƠ TẶNG LINDA
(Les dicts d’amour à Linda)

Cái tên nghe rất tôn giáo của em
Hơi kiêu kì - và đó là bản chất
Cái tên em bí ẩn không giấu được
Tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “xinh”.

Còn tiếng Đức có nghĩa là “dịu hiền”
Như tháng Tư giữa trời đêm trong gió
Cây gia thần tiên hát ca, nghiêng ngả
Trong tiếng xạc xào hương toả mùi đêm.

Tên của em đẹp hơn mọi cái tên!
Thời Hy Lạp cổ, đó là “thành phố”
Rất phồn thịnh, như thiên đàng, một thuở
Giữa những hoa hồng trên đảo Rhodes hát lên.
____________

*Bài thơ đi phân tích ý nghĩa tên của cô gái Linda. Từ “Lindo” bằng tiếng Tây Ban Nha nghĩa là đẹp, xinh. Bằng tiếng Đức (Die Linde – cây gia, cây đoạn; lind – dịu hiền, thuỳ mị). ở khổ thứ 3 nhắc đến tên gọi một thành phố Hy Lạp cổ đại – Lindos, nằm ở bờ phía đông đảo Rhodes.



LINDA

(L’ombre de la très douce est évoquée ici)

Là chiếc bóng rất nhẹ nhàng mà bạn sẽ bay

In vào trong giai điệu ngọt ngào mà bạn sẽ chơi
Nocturme – là dạ khúc, khiến con tim nức nở
Dù tiếng tắt rồi, những ngón tay còn lướt nhẹ 
An ủi đàn piano như người nước mắt đầy vơi. 


MÙA THU

(Automne)

Một người nông phu đi giữa màn sương

Dắt con bò giữa sương thu dày đặc
Đang giấu đi vẻ nghèo khó của làng. 

Người vừa đi vừa cất tiếng hát vang

Người hát rằng yêu nhau rồi phụ bạc
Và nhẫn thề và tan nát con tim.

Ôi mùa thu, mùa hè đã không còn

Giữa màn sương vật vờ hai bóng xám.


EM RA ĐI

(Lorsque vous partirez, je ne vous dirai rien)

Em ra đi – thôi còn gì để nói

Sau mùa hè là sẽ tới mùa thu
Rồi đây bên cửa nhà em anh sẽ tới
Như con chó trung thành chờ đợi và tru
Em ra đi – thôi còn gì để nói.

Nhắc về em sẽ làm anh run rẩy

Mặc dù anh không phải thợ kim hoàn
Nhưng tay chân, hàm răng em giống với
Những đồ trang sức quí giá bằng vàng
Nhắc về em sẽ làm anh run rẩy. 

Rồi đây giữa đêm không có ánh trăng

Anh vẫn thấy mái tóc em vàng óng
Em ra đi nhưng mà anh cảm nhận
Tinh cầu của anh vẫn sáng hàng đêm
Rồi đây giữa đêm không có ánh trăng. 

Và mùa thu với tiếng lá thì thầm

Gợi cho anh tiếng xạc xào áo váy
Anh cảm nhận một vẻ gần quá đỗi
Của chiếc lá vàng cùng với mùi hương
Giữa mùa thu với tiếng lá thì thầm. 

Em thân yêu, rồi đây chẳng còn em

Chiếc lá vàng sẽ nhắc về em đấy
Nhưng mà rồi đây em sẽ quên anh
Chẳng còn nhớ những đêm cùng điệu nhảy
Chẳng còn gì khi em đã xa anh. 




Thơ về các loài thú hay là đám rước của Orpheus 

(Le Bestiaire ou Cortège d'Orphée)

1-ORPHEUS


Còn gì mạnh hơn còn gì sâu hơn

Và còn gì cao thượng hơn những dòng
Đây là giọng nói nghe từ ánh sáng
Như Trismegistus nói trong Pimandre của ông.
_______________
*Tập thơ về các loài thú hay là đám diễu hành của Orpheus (Le Bestiaire ou Cortège d'Orphée) là tập thơ gồm 30 bài thơ ngắn của Guillaume Apollinaire với các bản khắc gỗ của Raoul Dufy, xuất bản năm 1911. Chúng tôi dịch đầy đủ tập thơ này. 
*Orpheus là  nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp, cha đẻ của thi ca, người sáng tạo ra chiếc đàn lia.
*Tập thơ này được tác giả chú thích nhưng rất dài dòng, chúng tôi chỉ trích những chỗ thấy cần thiết cho bạn đọc Việt và cố gắng chú thích ngắn gọn. Tên riêng không hoàn toàn để theo tiếng Pháp, mà nhiều chỗ để theo tiếng Anh để tiện hơn cho việc hiểu cũng như tìm kiếm, tra cứu.
*Hermes Trismegistus là tên một vị thần, tác giả của nhiều tác phẩm, trong đó có Pimandre (tiếng Pháp) hoặc Poimandres (tiếng Anh). 

2-CON RÙA


Ta từ xứ sở Thrace thần thoại

Những ngón tay thành thạo gảy đàn lia
Loài muông thú cũng đến không sợ hãi 
Lắng tay nghe – ngay cả những con rùa. 



3-CON NGỰA


Ta muốn kiềm chế mi! Và ta thường mơ

Ngày cỗ xe khải hoàn vàng lên tiếng
Nhưng thơ của ta nghe theo số phận
Như dây cương điều chỉnh mọi bài thơ. 
_____________
* Ta muốn kiềm chế mi – người đầu tiên cưỡi ngựa thần Pegase là Bellerophon, khi ông ra trận chiến đấu với quái vật. Thời buổi này quái vật cũng không hề ít, nhưng để chiến đấu với những kẻ thù ghét thơ ca thì phải kiềm chế, thậm chí phải giấu ngựa thần Pegase. Đấy là điều mà tôi muốn nói (chú thích của Guillaume Apollinaire).   

4-CON DÊ TÂY TẠNG

Lông dê này hay cừu vàng, bạn ơi

Thứ làm Jason chịu bao vất vả
Nhưng tôi thấy chúng đâu còn giá trị
Bằng tóc người yêu tôi có trong tay. 
_____________
*Jason là anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, thủ lĩnh của những người trong cuộc tìm kiếm bộ lông cừa vàng. 

5-CON RẮN


Mi không hề quí sắc đẹp người ta

Có trên đời biết bao nhiêu người đẹp
Trở thành nạn nhân của mi ác độc
Eva, Eurydice, Cleopatra*.. 
Ta còn có thể thêm nhiều người khác. 
______________
*Trong ba người phụ nữ mà Guillaume Apollinaire nêu trên, ta biết rằng Eva bị con rắn dụ dỗ ăn trái cấm và bị đuổi khỏi thiên đàng, Cleopatra cho rắn độc cắn để tự tử, còn Eurydice (vợ của Orpheus) thì khi chạy trốn khỏi thần Aristaeus, đạp phải một tổ rắn và bị cắn chết. 

6-CON MÈO


Tôi muốn có trong nhà của mình:

Một người phụ nữ đẹp, thông minh
Một con mèo giữa bao nhiêu cuốn sách
Và những người bạn ghé quanh năm
Mà nếu thiếu thì tôi không sống được.



7-CON SƯ TỬ


Ôi sư tử, thấy tội nghiệp làm sao

Chúa sơn lâm mà giờ đây ngoan ngoãn
Ở Hamburg, nước Đức người giam bạn
Trong lồng sắt, bao quanh những hàng rào. 

8-CON THỎ RỪNG


Thỏ và người yêu sợ hai thứ trên đời

Đó là nỗi đam mê và sợ hãi
Đừng quan tâm, nhưng noi gương thỏ cái
Học điều này để sáng tạo mà thôi. 
________
*Thỏ cái nổi tiếng là loài mắn đẻ. 

9-CON THỎ NHÀ 


Tôi biết loài thỏ rất sinh động

Chạy trốn khỏi tôi rất vội vàng
Thỏ này sống ở trong thung lũng
Giữa có hoa, trong xứ sở Dịu dàng.

10- CON LẠC ĐÀ 


Hoàng tử Don Pedro* cất bước đường xa

Với bốn lạc đà chàng đi chu du
Khắp châu Âu và vô cùng thán phục. 
Điều này thì tôi dễ dàng làm được
Nếu như tôi có tới bốn lạc đà. 
______________
*Đây là Pierre de Portugal (1392-1449) – tiếng Pháp;  Peter, Duke of Coimbra – tiếng Anh, là hoàng tử Bồ Đào Nha. Từ năm 1418 đến năm 1428 ông đi chu du hầu như khắp cả châu Âu và bắc Phi.  

11- CON CHUỘT


Ngày vui đi qua, ngày buồn tới

Chuột thời gian gặm nhấm đời tôi
Tôi đã sống đời hai tám tuổi
Sao nhiều đau khổ vậy, Chúa ơi!

12- CON VOI


Những lời của tôi từ cửa miệng

Chúng giống như những chiếc ngà voi
Màu đỏ chết!... Vinh quang nặng gánh
Chỉ mong chuộc lại được bằng lời.



13- ORPHEUS


Hãy nhìn xem kìa cả ngàn đôi chân

Và hãy nhìn xem cả trăm con mắt
Loài luân trùng, loài bọ ve, bọ chét
Chúng tuyệt vời hơn cả bảy kỳ quan
Trên mặt đất, và còn tuyệt vời hơn
Cung điện Rosemonde từ câu hát.*
_____________
*Cung điện Rosemonde từ câu hát – cung điện này được nói đến trong một bài hát dân ca buồn, tác giả của nó, tất nhiên là tôi không biết, bài dân ca này kể về một tình yêu bất hạnh của một nhà vua  Anh. Dưới đây là một đoạn trong bài hát đó:

Hoàng hậu cảm thấy rằng không yên ổn

Với vua Rosemonde, để tránh điều này
Khỏi tai họa, nhà vua đã cho xây
Một cung điện, đời chưa từng biết đến.
*
Pour mettre Rosemonde à l'abri de la haine
Que lui portait la reine,
Le roi fit construire un palais
Tel qu'on n'en vit jamais.
(chú thích của Guillaume Apollinaire).  

14- CON SÂU BƯỚM


Công việc dẫn đến sự giàu sang

Nhà thơ hãy làm việc không ngừng
Hãy xem sâu bướm bao khó nhọc
Để trở thành con bướm vinh quang.

15- CON RUỒI*


Những con ruồi của chúng ta cũng biết

Nghe bài ca học được ở Na Uy
Những con ruồi bùa phép, mê hoặc kia
Chính chúng là những vị thần của tuyết.
______________
*Những con ruồi… – Đây không phải là về những bông tuyết mà là những con ruồi được các phù thủy Phần Lan và Sápmi thuần phục. Những phù thủy truyền những con ruồi từ thế hệ này sang thế hệ khác và giữ chúng trong một chiếc hòm đặc biệt, nơi không ai nhìn thấy nhưng chúng sẵn sàng bay ra thành bầy để quấy rối những tên trộm, chúng kêu lên những lời ma thuật, đây là những con ruồi bất tử (chú thích của Guillaume Apollinaire).  

16- CON BỌ CHÉT


Bạn, người yêu, có biết rằng bọ chét

Yêu thương ta. Thật nghiệt ngã vô cùng!
Máu của ta đều dâng cho chúng hết
Bất hạnh thay cho những kẻ yêu đương. 
______________
*Ý bài thơ này có thể so với bài thơ Con bọ chét (The Flea) của John Donne đã có bản tiếng Việt. 


17- CON CHÂU CHẤU


Loài châu chấu đã từng 

Đồ ăn cho Thánh Giăng*
Thơ cũng nên như thế
Bữa tiệc của người mong.  
_______
*Đồ ăn của Thánh Giăng (Giăng mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông; ăn những châu chấu và mật ong rừng – Tân Ước_Mác 1: 6). 



18- ORPHEUS 


Hãy để trái tim là trời, nước, con mồi

Quan trọng gì nước sông hay nước biển
Cả hương vị, hình thức đều bình đẳng
Cá thần là GIÊSU, Đấng cứu độ của tôi? 
________
*Cá thần là Giêsu – xuất phát từ chữ Ichthys (tiếng Hy Lạp: ἰχθύς), là biểu tượng gồm hai hình cung bắt chéo vào nhau, phần đuôi bên phải kéo dài giống như đuôi cá. Đây là biểu tượng của Chúa Giêsu trong thời sơ khởi và là chữ viết tắt của cụm từ “Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ”. 

19- CON CÁ HEO


Cá heo đùa chơi – nhưng mà nước biển

Luôn đắng cay và đầy vẻ mặn mòi
Niềm vui ơi, liệu tôi còn biết đến?
Khi cuộc đời luôn nghiệt ngã với tôi.

20- CON BẠCH TUỘC


Ném mực của mình về phía bầu trời

Và hút máu những gì mình yêu thích
Tìm kiếm những gì ngon. Bạn có biết?
Quái vật vô nhân này – chính là tôi.

21- CON SỨA


Ôi sứa, những cái đầu tội nghiệp

Những mái tóc tím ngát
Các ngươi chờ bão giông
Ta cũng mong bão táp. 

22- CON TÔM


Sự lưỡng lự, ôi niềm vui của tôi

Tôi và em, như tôm, mình cất bước
Cứ tưởng rằng ta đi về phía trước
Lại hóa ra mình đang bước giật lùi.

23- CON CÁ CHÉP


Ở trong hồ, trong ao

Cá chép sống thật lâu!
Có vẻ như thần chết
Quên loài cá u sầu.

24- ORPHEUS 


Tiếng hát ngọt ngào của chim bồng chanh

Của thần ái tình, tiên chim cũng vậy
Dù ngân vang nhưng nguy hiểm vô cùng
Những bài hát chết người, vô nhân đạo*
Xin đừng nghe những bài ca của họ
Nhưng hãy nghe thiên sứ ở thiên đường.
______________
*Những người đi biển khi nghe tiếng hót của chim bồng chanh (chim bói cá) là chuẩn bị cho cái chết, ngoại trừ giữa tháng 12, khi loài chim này làm tổ, người ta cho rằng đấy là thời kỳ biển lặng. Còn thần ái tình và tiên chim là những sinh vật có cánh, hát hay đến nỗi những ai nghe được đều sẵn sàng đánh đổi cuộc đời mình vì tiếng hát (chú thích của Guillaume Apollinaire).  

25- TIÊN CHIM


Hỡi tiên chim, nỗi buồn ở đâu ra

Khi tiếng khóc dịu dàng trong đêm vắng?
Ta cũng giống như màn đêm trên biển
Con tàu ta đang gọi tháng năm về. 

26- CON BỒ CÂU


Hỡi bồ câu, tình yêu và thánh linh

Đức chúa Giêsu sinh ra từ đó
Tôi cũng yêu Maria* – với nàng
Hãy cho chúng tôi nên duyên chồng vợ.
_____________
*Marie Laurencin (1883 – 1956) – nữ họa sĩ Pháp, người yêu dấu của Guillaume Apollinaire trong 5 năm. 

27- CON CÔNG 


Khi đuôi thả xuống trông đã tuyệt

Còn khi công múa đẹp làm sao
Nhưng vẻ đẹp này là phía trước
Trong khi lại hở phía đằng sau.



28- CON CÚ


Trái tim buồn trong ngực như con cú

Bị đóng đinh khắp mọi phía rã rời
Máu và đam mê sẽ không còn nữa
Những ai yêu tôi, tôi đã khen người.

29- CON CÒ QUĂM


Tôi sẽ đi thơ thẩn trong màn sương

Xuống thế giới ngầm chỉ còn chết chóc!
Con cò quăm ở Latinh đã chết
Loài chim này là chim của sông Nin.

30- CON BÒ


Đây là Minh thần* nói lời khen ngợi

Chốn Thiên cung, nơi có các thiên thần
Là nơi chúng ta sau này sẽ tới
Khi Đức Chúa Trời cho phép ta lên. 
_____________

*Minh thần (Cherubin) – là con bò có cánh nhưng không phải là quái vật (chú thích của Guillaume Apollinaire). 


20 NHÀ THƠ PHÁP



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét